Khoa học và công nghệ UK

Charles Darwin (1809–82), học thuyết tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên của ông là nền tảng cho khoa học sinh học hiện đại

Anh và Scotland là các trung tâm hàng đầu trong cách mạng khoa học từ thế kỷ XVII[302] và Anh Quốc dẫn đầu cách mạng công nghiệp từ thế kỷ XVIII,[278] và liên tục sản sinh các nhà khoa học và kỹ sư có danh tiếng với những tiến bộ quan trọng.[303] Trong số các nhà lý luận lớn từ thế kỷ XVII và XVIII có Isaac Newton, các định luật về chuyển động và sự khai sáng về trọng lực của ông được xem là một nền tảng của khoa học hiện đại;[304] từ thế kỷ XIX có Charles Darwin với thuyết tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên là nền tảng cho sự phát triển của sinh học hiện đại, và James Clerk Maxwell với việc công thức hóa thuyết điện tử học kinh điển; và gần đây hơn là Stephen Hawking, người đã nâng cấp nhiều học thuyết chủ yếu trong các lĩnh vực vũ trụ học, hấp dẫn lượng tử và nghiên cứu lỗ đen.[305] Các khám phá khoa học lớn từ thế kỷ XVIII gồm có hydro bởi Henry Cavendish;[306] từ thế kỷ XX là penicillin của Alexander Fleming,[307] và cấu trúc ADN bởi Francis Crick và những người khác.[308] Các công trình và ứng dụng kỹ thuật chính của người Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland trong thế kỷ XVIII gồm có đầu máy hơi nước được Richard TrevithickAndrew Vivian phát triển;[309] từ thế kỷ XIX là động cơ điện của Michael Faraday, đèn sợi đốt của Joseph Swan,[310] và điện thoại thực tiễn đầu tiên là phát minh của Alexander Graham Bell;[311] và trong thế kỷ XX là hệ thống truyền hình hoạt động đầu tiên của thế giới của John Logie Baird và những người khác,[312] động cơ phản lực của Frank Whittle, cơ sở của máy điện toán hiện đại của Alan Turing, và World Wide Web của Tim Berners-Lee.[313]

Nghiên cứu và phát triển khoa học duy trì vị thế quan trọng trong các đại học Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nhiều trường thành lập các công viên khoa học nhằm tạo điều kiện sản xuất và hợp tác với công nghiệp.[314] Từ năm 2004 đến năm 2008, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sản xuất 7% bài báo nghiên cứu khoa học của thế giới và 8% trích dẫn khoa học, cao thứ ba và thứ hai thế giới (lần lượt sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, và Hoa Kỳ).[315] Các tạp chí khoa học xuất bản tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland gồm có Nature, British Medical Journal and The Lancet.[316]